Nước mắt nghẹn ngào, danh hài Tấn Beo chia sẻ, dù biết cha mình vốn mang bệnh nặng và sẽ có lúc ra đi, gia đình anh không ai ngờ mọi việc lại nhanh như thế. "Hôm trước đi viếng má Ngọc, ba tôi vẫn còn trông khỏe khoắn, bình thường. Nhưng sau đó ít ngày, ông trở đau, phát bệnh". Vừa chịu tang người má nuôi thân thiết trong nghề, giờ lại chịu tang cha, Tấn Beo không giấu được vẻ phờ phạc, đau khổ.
Nghệ Tấn Tài đến thắp hương cho nghệ sĩ Kim Ngọc tuần trước. Ảnh:cailuongvietnam.com |
Từ Australia trở về thăm nhà, nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh bất ngờ khi biết tin. "Dù hiểu rằng 'sinh lão bệnh tử' là quy luật của tự nhiên, nhưng khi nghe tin nghệ sĩ Tấn Tài qua đời, tôi không khỏi bùi ngùi. Những tài danh như má Bảy Phùng Há, Minh Phụng, rồi Tấn Tài... lần lượt ra đi để lại khoảng trống quá lớn cho nghệ thuật cải lương Việt Nam", Hoài Thanh chia sẻ.
Trong thập niên 60-70, nghệ sĩ Tấn Tài được báo giới tặng cho danh hiệu "Hoàng đế đĩa nhựa" khi ông thực hiện hơn 400 đĩa vọng cổ, tuồng cải lương cùng hàng nghìn bài hát tân cổ. Cuối thập niên 60, mỗi ngày, ông thu 5-6 đĩa hát và mỗi đĩa được định giá là 12.000 đồng, tương đương với một lượng vàng thời đó. Những vai diễn sân khấu để đời của ông được khán giả yêu mến như: Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Tiếng vọng Ba Đèo, Võ Tòng sát tẩu, Sương mù trên non cao... Ông là một trong sáu nghệ sĩ đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963, gồm: Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Kim Loan tức Mộng Tuyền và Trương Ánh Loan.
Tấn Tài tên thật là Lê Tấn Tài, sinh năm 1938, quê ở xã Vĩnh Trạch, huyện Núi Sập, tỉnh An Giang. Gia đình không có ai theo nghề ca hát nhưng với giọng ca trời phú, ông đã khăn gói lên Sài Gòn để theo đuổi đam mê và gặt hái được nhiều thành công. Trước khi trở thành nghệ sĩ, ông là thầy giáo của trường Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang.
Ông có hai người con nối nghiệp sân khấu là nghệ sĩ danh hài Tấn Beo và Tấn Bo.
Linh cữu nghệ sĩ Tấn Tài quàn tại số 190 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8, TP HCM.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét