Lên mạng tìm kiếm với một vài cụm từ như: Clip phá giá, dìm hàng, cảnh nóng của sinh viên, nữ sinh đánh nhau..., lập tức sẽ ra một loạt kết quả là blog, website cá nhân. Nhiều bạn trẻ đang coi việc săn tìm, quay lén và phát tán những giây phút hớ hênh, riêng tư của người khác như một trò tiêu khiển...
Săn clip...
Thời gian gần đây clip nữ sinh đánh bài cởi áo, “cảnh nóng” của hai học sinh lớp 10 ở Lạng Sơn, nữ sinh Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh đánh nhau, nữ sinh Cần Thơ nhảy lầu tự tử... liên tục gây xôn xao dư luận. Thậm chí trong nhiều đoạn clip còn rõ mồn một tiếng những người xung quanh như: Trời ơi nó có “nghé” à, zoom lại gần đi (nữ sinh nhảy lầu tự tử) hay đánh mạnh vào, cởi áo ra, quay đi kệ chúng nó (nữ sinh đánh nhau)... Vài phút sau, những “khổ chủ” này lập tức trở thành nhân vật nổi tiếng trên thế giới mạng. Và công cụ rất đơn giản, chỉ cần chiếc điện thoại di động cùng cú click chuột...
Ngọc (sinh viên trường ĐH TM) từng là nạn nhân của một “trò đùa clip”. Sự việc bắt nguồn trong chuyến đi chơi cùng cả lớp, Ngọc và một số bạn nữ diện chiếc áo hơi trễ cổ. Cô không ngờ những hình ảnh hớ hênh đó được một bạn trai lén quay lại và ngay trong tối hôm đó trên nhật ký mạng của rất nhiều bạn bè đều xuất hiện “clip girl xinh lộ hàng”. “Ánh mắt dò xét, những lời xì xào to nhỏ và thậm chí cả những bình phẩm, cợt nhả trên mạng... làm mình thật sự cảm thấy bị tổn thương” -Ngọc tâm sự. Tuy sau đó bạn nam này đã lên tiếng xin lỗi nhưng chính cậu cũng không làm chủ được sức lan truyền của clip do mình phát tán.
Theo lời Ngọc, con trai lớp cô còn có đủ loại clip như: “Q và người yêu”, “N bị đánh tập thể”... Bluetooth điện thoại trên giảng đường thường xuyên được bật. Coi như thú tiêu khiển, nhiều bạn trẻ đã đi xa hơn giới hạn một cách không kiểm soát. P (sinh viên trường ĐH KT) khoe với bạn bè về kho clip “lạ, sốc, nhạy cảm” do đích thân cậu kỳ công quay lại. Từ “em xinh tươi tắm tiên”, nam sinh “đọ hàng” trong WC, nữ sinh lột áo đánh nhau, hay cả những clip cặp đôi “mây mưa”...
Nhân vật phần nhiều lại chính là bạn bè trong lớp, hàng xóm cùng nhà trọ... “Có trường hợp hoàn toàn vô tình quay được nhưng đa phần phải dùng tiểu xảo lén đặt máy quay cùng đồ nghề là những camera ngụy trang... mới xong” - P đầy tự hào kể lại. Cậu là thành viên của một website không phải ai cũng có thể truy cập chuyên tập hợp clip dạng này. Theo P, quà ra mắt là ba clip “chất lượng” để anh em thưởng lãm.
Ảnh minh họa
“Đời tư” thành của chung
Sau khi những hình ảnh nhạy cảm riêng tư với bạn trai bị người cùng xóm trọ bí mật quay trộm và phát tán trên mạng, L (sinh viên một trường trung cấp Y tại SL) đã tự tử. Kịp thời được phát hiện và cứu sống nhưng hiện tại L phải xin bảo lưu kết quả học tập. Khi những búa rìu dư luận chưa lắng xuống, cô không đủ can đảm quay lại giảng đường. Vài tuần sau, một video tương tự của đôi sinh viên trong trường cũng bị truyền đi khắp nơi. Nữ sinh trong video này trần tình: “Chúng tôi đã đăng ký kết hôn và ai cũng có những thứ chỉ thuộc về thế giới riêng. Khi những điều riêng tư như thế bị phơi bày trước công luận, mọi phán xét lại dồn hết lên chúng tôi... như thể những tội đồ”. Bản thân cô sinh viên này cũng không hiểu một cách rõ ràng về quyền bí mật đời tư.
Tuy nhiên, theo Luật sư Bích Lan, Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội, ngoại trừ thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân (là một dạng bí mật đời tư theo Điều 38 Bộ Luật Dân sự) được quy định khá cụ thể thì luật pháp không có quy định thế nào là “đời tư”, khi nào thì “đời tư” bị coi là xâm phạm?
Dẫu vậy, luật sư Bích Lan cho hay: Việc quay lén hình ảnh riêng tư của người khác chắc chắn là hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Tùy theo mục đích, người truyền video đó lên mạng có thể bị kết tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xử lý hình sự về tội “làm nhục người khác”. Và dẫu không có mục đích này, người truyền video vẫn bị xử lý hình sự về tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” với mức xử phạt cao nhất là 15 năm tù (theo điều 253 Bộ Luật Hình sự).
Tháng 7/2009, dịch vụ blog 360 của Yahoo! đóng cửa nhưng với sự phát triển của mạng xã hội, thì sân chơi của blogger Việt càng trở nên đa dạng, với những tên tuổi: Facebook, Twitter, Multiply, Wordpgres, CyWord, CyVee, Yume, Thegioiblog, Vietspace,... Thật dễ dàng và hoàn toàn miễn phí, chủ nhân của một website cá nhân có thể đưa được nhiều ảnh, phim, nhạc, tạo diễn đàn... ra trước công luận. Công nghệ hiện đại đã trao cho giới trẻ nhiều tiện ích, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi họ phải có trách nhiệm với thông tin, hình ảnh mình đưa ra. Trong đó bí mật đời tư không chỉ được pháp luật bảo vệ mà còn là vấn đề đạo đức của một blogger.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét